“Trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời, phát triển hoàn toàn bình thường thì có vấn đề gì mà phải cho con tham gia các lớp học kỹ năng sống” – đây là suy nghĩ phổ biến của không ít phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non và tiểu học. Chỉ khi nào thấy trẻ có biểu hiện rõ rệt về sự nhút nhát, khó diễn đạt, lười giao tiếp, kém tập trung hoặc nặng hơn là biểu hiện của chứng tăng động giảm chú ý…đó mới là lúc những phụ huynh này vội vàng đi tìm giải pháp.
Có không ít phụ huynh khi đăng ký cho con tham gia các lớp học kỹ năng sống với mong muốn con sẽ có những thay đổi tích cực ngay lập tức sau một, hai tháng học, thậm chí thay đổi sau từng buổi học. Lại có những phụ huynh giao phó hoàn toàn nhiệm vụ giáo dục kỹ năng cho con cho giáo viên trên lớp học kỹ năng sống tuần 1, 2 buổi mà không dành thời gian để tương tác với con ở nhà, làm theo các hướng dẫn, gợi ý của giáo viên.
Chúng ta đều biết rằng, môi trường sống đối với trẻ nhỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không ai khác, đó chính là cha mẹ – những người có vai trò cốt lõi trong việc xây dựng môi trường sống lành mạnh để trẻ phát triển tốt nhất.
Nhưng trên thực tế thì nhiều trẻ nhỏ ở thành phố hiện nay được bố mẹ chăm sóc, nuông chiều quá mức đáp ứng mọi yêu cầu khi cần… Kết quả của việc nuông chiều ấy là sẽ làm mất đi tính tự lập của trẻ, làm cho trẻ trở nên ngang bướng, lười nhác và ỷ lại vào người khác.
Tiết học rèn luyện kỹ năng thuyết trình tại Cara
Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ lại chưa thật sự ý thức cũng như làm tốt vai trò của mình. Cuộc sống bận rộn, cha mẹ không có nhiều thời gian để tâm sự, trò chuyện cùng con thay vào đó là việc lạm dụng công nghệ vào quá trình dạy dỗ trẻ như: cho trẻ ngồi hàng giờ trước máy vi tính, chơi các game màu sắc trên điện thoại, ipad… hệ lụy đầu tiên của việc làm này là làm giảm khả năng giao lưu, chia sẻ cũng như sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Chính sự tương tác một chiều này là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề về chậm ngôn ngữ, kém giao tiếp và tăng động ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ ở thành phố.
Không gian sống chật chội, nhiều âm thanh tiếng ồn, sự giao tiếp bằng ngôn ngữ giữa trẻ – người lớn, trẻ – trẻ hạn chế, trẻ không có cơ hội để tự mình học hỏi, giao lưu, tương tác và trải nghiệm với môi trường xung quanh… là một nguyên nhân nữa dẫn đến việc trẻ em thành phố rất thiếu các kỹ năng sống cần thiết.
Cha mẹ quá quan tâm đến việc cho trẻ được sung sướng, ăn ngon, mặc đẹp, mà quên đi mất việc trang bị các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ từ nhỏ, giúp trẻ hình thành các thói quen tốt, khả năng giao tiếp, sự tự tin, tư duy sáng tạo, sự tập trung, niềm đam mê học tập… để có thể thành công trong trường học và cuộc sống.
Giáo dục kỹ năng sống đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường và việc lựa chọn thời điểm phù hợp.
Trước tiên, xin nhấn mạnh vai trò quyết định của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ. “Việc hình thành một kỹ năng hay một thói quen không phải “ một sớm một chiều” mà đó là cả một quá trình cần có sự lặp đi lặp lại, liên tục trong một khoảng thời gian trung bình là 66 ngày” (Phillippa Lally đăng trên tờ European journal of social psychology). Như vậy với suy nghĩ chỉ cần cho trẻ tham gia học tập và tương tác với giáo viên thì mọi vấn đề về kỹ năng cũng như tính cách của trẻ sẽ được khắc phục là hoàn toàn không đúng.
Một số phụ huynh cũng cần thay đổi suy nghĩ “trẻ phát triển bình thường thì cần gì giáo dục kỹ năng sống, cứ để trẻ phát triển một cách tự nhiên”. Không có gì tốt hơn sự chuẩn bị, nếu cha mẹ biết cách áp dụng các phương pháp giáo dục sớm hoặc cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng phù hợp đúng độ tuổi sẽ giúp khai thác tối đa trí tuệ tiềm ẩn của trẻ, giúp trẻ có được một nền tảng kỹ năng, kiến thức tốt để bước vào trường học và cuộc sống. Trẻ được trau dồi, bồi dưỡng các kỹ năng sống từ nhỏ đúng cách đương nhiên sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn những trẻ khác. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ: Đừng để nước đến chân mới nhảy!
Tài liệu cho phụ huynh :