Tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em

Giáo dục kỹ năng sống là rất quan trọng và cần thiết cho trẻ nhỏ giúp trẻ phát triển nhân cách, thể chất, tình cảm, giao tiếp, ngôn ngữ, tư duy một cách toàn diện, là nền tảng để trẻ tự tin trong cuộc sống hàng ngày.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em

Giáo dục kỹ năng sống là gì?

Giáo dục kỹ năng sống là một quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành năng lực hành động tích cực, có liên quan tới kiến thức và thái độ, giúp cá nhân có ý thức về bản thân, giao tiếp, quan hệ xã hội, thực hiện công việc, ứng phó hiệu quả với các yêu cầu thách thức của cuộc sống hàng ngày…

Kỹ năng sống được hình thành theo nhiều cách khác nhau, tùy vào môi trường sống và giáo dục…

Trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, mẫu giáo, đó là những hoạt động tích cực, hướng vào những hoạt động cá nhân hoặc một nhóm trẻ với mục đích giúp trẻ có thể ứng phó hiệu quả với các tình huống, thách thức trong cuộc sống hàng ngày. Định hướng của giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là giúp trẻ làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, thích nghi, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực trong các tình huống của cuộc sống.

Theo một số nghiên cứu cho thấy, các kỹ năng sống khác nhau theo địa lý, thời gian…ví dụ như trẻ em vùng biển thì có một số kỹ năng sống khác với trẻ em vùng núi, kỹ năng sống của trẻ em thành phố khác với kỹ năng sống trẻ em nông thôn, kỹ năng sống của trẻ em ngày xưa khác với kỹ năng sống trẻ em bây giờ…

Vì sao trẻ em ngày càng thiếu các kỹ năng sống

Có một thực tế là nhiều học sinh thành phố, đô thị hiện nay được bố mẹ chăm ăn, chăm mặc kỹ quá, chẳng thiếu thứ gì và được bao cấp đến “tận răng”. Có những em đã học lớp 11, lớp 12, mà bố mẹ vẫn đưa đón hàng ngày, không dám cho tự đi học. Ở nhà, nhiều trẻ được miễn việc giúp đỡ bố mẹ làm công việc nhà, dù là nhỏ nhất với lý do là để dành thêm thời gian cho con học, hoặc đã có “bác giúp việc”. Có rất nhiều lời giải thích, biện minh cho việc chăm sóc, nuông chiều con cái quá mức ở các bố mẹ. Hệ lụy của việc nuông chiều ấy là sẽ làm mất đi tính tự lập của trẻ, làm cho trẻ trở nên lười nhác, ỷ lại cho người khác những việc có thể thực hiện trong tầm tay.

Bên cạnh đó, mặc dù điều kiện sống của lớp trẻ ngày càng tốt hơn, nhưng việc giao lưu, chia sẻ, kết bạn…của trẻ dường như lại thu hẹp lại. Đầu tiên là việc tạo ra các kết nối trong gia đình, giữa bố mẹ và con cái. Thời gian bố mẹ dành cho con trẻ ngày càng eo hẹp. Do mải làm kinh tế, nên hầu hết các bố mẹ không có nhiều thời gian dành cho gia đình nhỏ của mình. Những chuyến đi công tác dài ngày, việc đi làm về muộn là chuyện bình thường trong xã hội hiện đại ngày nay. Ngay cả khi có mặt ở nhà, nhiều cha mẹ cũng không thể sắp xếp thời gian, để có thể tâm sự, trò chuyện cùng con trẻ. Hình ảnh một gia đình với bố mẹ ôm máy tính, nghe điện thoại, con cái chúi đầu chơi game trên ipad không còn hiếm thấy và ngày càng phổ biến. Có một nghịch lý là: công nghệ ngày càng phát triển, mạng xã hội ngày càng phổ biến để giúp con người có thể trao đổi với nhau thuận lợi nhất, thì ngược lại việc trao đổi thông tin bằng ngôn ngữ giữa người với người, sự quan tâm tới nhau trong các gia đình sử dụng công nghệ ngày càng kém đi. Cuối cùng những đứa trẻ cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Trẻ em không chỉ cần người lớn cho ăn ngon, mặc đẹp. Trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ, việc được quan tâm, bồi dưỡng về mặt tinh thần đôi khi quan trọng hơn nhiều so với vật chất. Ngay cả khi bạn có thể thuê cho con mình những gia sư, giáo viên tốt nhất, thì việc có bố mẹ quan tâm, chia sẻ, định hướng là không thể thiếu đối với sự trưởng thành của trẻ. Việc định hướng này sẽ quyết định 60-70% sự thành công và tính cách của trẻ sau này.

Ngoài ra một nguyên nhân nữa dẫn đến việc trẻ em thành phố rất thiếu các kỹ năng sống cần thiết, đó là việc trẻ thực sự thiếu một môi trường để có thể học hỏi, giao lưu, tương tác và trải nghiệm. các trường học và chương trình giáo dục của nước ta dù đã có nhiều cố gắng cải cách, nhưng thực tế cho thấy phương pháp giảng dạy vẫn còn theo lối mòn cũ, lý thuyết vẫn được coi trọng hơn thực hành. Là một quốc gia thường có các học sinh đoạt nhiều giải thưởng toán, lý, hóa quốc tế, nhưng nước ta lại là một nước công nghệ “đi mua”, các sáng chế hầu như chỉ là các công trình trên giấy. Các sinh viên ra trường hàng năm rất khó tìm kiếm được việc làm và có khi tốt nghiệp loại giỏi càng dễ thất nghiệp. Thật tiếc khi nhà trường chỉ chú trọng dạy văn hoá mà không quan tâm nhiều đến việc dạy kỹ năng sống cho trẻ. Trẻ dù học giỏi nhưng thụ động, không dám giao tiếp trước đám đông còn nguy hiểm hơn cả việc học dốt.

Đến giờ nhiều gia đình và phụ huynh mới giật mình khi phát hiện ra một lỗ hổng trong việc giáo dục trẻ. Chúng ta đã quá nặng việc quan tâm cho trẻ được sung sướng, ăn ngon, mặc đẹp, mà quên đi mất việc giáo dục cho trẻ một cách nghiêm túc các kỹ năng để giúp trẻ có nền tảng cơ sở để tự lập sau này. Việc thiếu được trang bị các kỹ năng sống cần thiết để giúp cho trẻ từ nhỏ đã hình thành các thói quen tốt, các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này khi tham gia vào xã hội như: sự tự tin, tư duy sáng tạo, khả năng tập trung, niềm đam mê học tập suốt đời…

Tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em

Tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em

Ai cũng hiểu kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý - xã hội cơ bản giúp con người tồn tại, phát triển và thích nghi trong cuộc sống. Nói một cách khác đơn giản hơn, kỹ năng sống đơn là tất cả điều cần thiết chúng ta phải biết để có thể thích ứng với những thay đổi diễn ra hằng ngày trong cuộc sống, nhất là trong cuộc sống hiện đại đầy biến động.

Kỹ năng sống thúc đẩy sự phát triển cá nhân, cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp cho con người xây dựng một xã hội có văn hóa. Các kỹ năng sống có được thông qua rèn luyện. kỹ năng sống chỉ được hình thành thông qua giáo dục, đào tạo và rèn luyện.

Các kỹ năng sống có liên quan và hỗ trợ cho nhau. Ví dụ: kỹ năng tư duy sáng tạo giúp cho con người tăng khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định.

– Về thể chất: giáo dục kỹ năng sống giúp cho trẻ tăng cường thể chất, sự kiên trì, bền bỉ, tháo vát… thông qua các bài học và các hoạt động vận động trong quá trình dạy kỹ năng sống. Trẻ sẽ được rèn luyện sự dẻo dai, khéo léo, kiên trì, giúp cho trẻ nhanh thích ứng với các điều kiện sống thay đổi.
– Về tình cảm: giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ biết lắng nghe, chia sẻ, sống có trách nhiệm, biết yêu thương, biết ơn công lao của cha mẹ.
– Về giao tiếp ngôn ngữ: giáo dục kỹ năng sống cho trẻ giúp trẻ tự tin, giao tiếp hiệu quả, đặc biệt rèn luyện cho trẻ biết lắng nghe, nói chuyện lễ phép, hòa nhã.
– Về nhận thức: giáo dục kỹ năng sống giúp cho trẻ có một nền tảng kiến thức, ham mê hiểu biết, khám phá, xây dựng cho trẻ niềm ham mêm học tập suốt đời.
– Giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ có bước đệm chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tiểu học: việc giáo dục kỹ năng sống từ sớm giúp trẻ có khả năng thích nghi với sự thay đổi môi trường sống, khả năng hòa nhập nhanh, giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1.

Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không đơn giản là việc dạy, rèn cho trẻ những kỹ năng cơ bản cần thiết như tự chăm sóc bản thân; phòng tránh và ứng xử với các nguy hiểm thường gặp, biết hòa đồng,… Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cần phải được nhìn một cách toàn diện hơn, trong đó yếu tố quan trọng nhất không chỉ nằm ở cách thức, phương pháp, nội dung mà còn nằm ở thời kỳ, thời điểm thích hợp.

Nói về thời kỳ thích hợp, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ phải là giáo dục sớm, phù hợp với thời điểm trẻ có khả năng tiếp thu các kiến thức, kỹ năng tốt nhất. Giai đoạn vàng hay còn gọi là cửa sổ cơ hội của trẻ là từ 0 – 6 tuổi. Các nghiên cứu khoa học về bộ não của trẻ đã chỉ ra: khi lọt lòng mẹ, trọng lượng não của trẻ sơ sinh đã bằng 25% não người trưởng thành; 1 tuổi đạt 50%, 2 tuổi đạt 75%; 3 tuổi đạt 90% não người trưởng thành và 6 tuổi hầu như hoàn thiện về cấu trúc. Đây là giai đoạn cung cấp những kích thích để tạo thành nhiều kết nối thần kinh trên não bộ giúp trẻ đạt được tiềm năng tối đa, giúp trẻ phát triển của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Phương pháp và cách thức giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cũng cần phải được chú trọng. Có nhiều phương pháp khác nhau mà mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm. Các bậc cha mẹ cũng nên tìm hiểu, chọn lựa và áp dụng được phương pháp nào phù hợp nhất với khả năng, tính cách của trẻ, điều kiện của gia đình. Điều quan trọng nhất là bố mẹ luôn phải là tấm gương sáng trong ứng xử hàng ngày cho trẻ noi theo. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ phải bắt đầu từ bố mẹ và phải có sự kết hợp hài hòa, đồng bộ trong phương pháp với nhà trường, thầy cô giáo.

Trẻ được giáo dục kỹ năng sống đúng cách không chỉ được trang bị những kỹ năng sống cơ bản mà còn phát triển được những kỹ năng cực kỳ quan trọng giúp tạo ra sự khác biệt, giúp tạo ra thành công cho trẻ trong cuộc đời. Xét cho cùng, mục tiêu của giáo dục trẻ em là chuẩn bị cho trẻ có được một hành trang kiến thức và kỹ năng tốt nhất để trẻ tự tin bước vào cuộc sống, tự tin đưa ra những quyết định của mình, tự tin sống cuộc sống của mình mà không phải lệ thuộc vào người khác. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ hãy giúp xây dựng và rèn cho con những kỹ năng như: tư duy sáng tạo, giao tiếp, phân tích, tổ chức công việc, khả năng thích nghi với sự thay đổi… Chỉ có như vậy mới giúp trẻ có được một tương lai tươi sáng và tự tin bước đi trên con đường của riêng mình.

Tuy nhiên có thể thấy rất rõ ràng là kỹ năng sống luôn gắn bó với các giá trị. Các giá trị sống đúng đắn là kết tinh được truyền lại như sự tôn trọng, sống trách nhiệm, yêu thương, sự tự tin, sự sáng tạo, lòng ham hiểu biết… các giá trị này được truyền lại nhằm giáo dục giúp cho con người sống có chuẩn mực và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội.

Như vậy, việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Mỗi trẻ có những yếu tố cá nhân khác nhau và sự ảnh hưởng của các quan hệ xã hội cũng như hoàn cảnh sống, môi trường trải nghiệm khác nhau nên nhà giáo dục cần có những hình thức, biện pháp linh hoạt, hợp lý và tận dụng các điều kiện để tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ được tự trải nghiệm.

Với kĩ năng sống phong phú trẻ sẽ biết cách khai thác kiến thức từ cuộc sống xung quanh, tạo lập các mối quan hệ với tự nhiên và con người để sống an toàn, hòa bình và phát triển.


Về trang chủ: iSmartKids, hoặc click: Kỹ năng sống cho trẻ em, iSmartKids.vn

Bài cùng danh mục
Đọc nhiều nhất
Tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em

Tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ yếu tố quan trọng nhất không chỉ nằm ở cách thức, phương pháp, nội...

Giới thiệu

Giới thiệu

iSmartKids.vn là gì? Được xây dựng từ năm 2011 tại Hà Nội, iSmartKids là trang blog cộng đồng tin cậy...

Sapiosexual là gì? Làm sao để nhận biết Sapiosexual?

Sapiosexual là gì? Làm sao để nhận biết Sapiosexual?

Sapiosexual là thuật ngữ sử dụng phổ biến trên các ứng dụng hẹn hò mạng xã hội, ám chỉ sự hấp...

Các trò chơi dân gian dành cho trẻ em phổ biến hiện nay

Các trò chơi dân gian dành cho trẻ em phổ biến hiện nay

Các trò chơi dân gian dành cho trẻ em là những trò chơi đơn giản, dễ chơi và mang lại nhiều lợi ích....

Cách lấy mã giảm giá Lazada nhanh chóng cho người mới

Cách lấy mã giảm giá Lazada nhanh chóng cho người mới

Khách hàng có thể thu thập các voucher và nhập mã này vào phần "mã giảm giá" khi thanh toán đơn hàng để...

Privacy policy

Privacy policy

iSmartKids.vn xem quyền riêng tư của bạn là vấn đề rất nghiêm túc. iSmartKids.vn cam kết bảo vệ sự riêng...