Trẻ nói lắp – Nguyên nhân trẻ bị nói lắp và cách khắc phục

Gần đây chuyên gia của Trung tâm iSmartKids tiếp xúc với nhiều phụ huynh đến xin tư vấn cách khắc phục vấn đề nói lắp của con trẻ. Điển hình là trường hợp của chị Thu, mẹ cháu Hoài An 5 tuổi. Chị Thu cho biết chị rất lo lắng, vì sang năm là Hoài An sẽ học lớp 1, nhưng hiện tại cháu mắc tật nói lắp và chị lo rằng nếu không khắc phục được, cháu sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi học. Anh Kỳ Nam bố của bé Bin gần 4 tuổi cũng đã xin nghỉ 1 ngày phép đến để tư vấn về cách khắc phục tật nói lắp cho bé. Anh tâm sự, lúc đầu gia đình thấy việc con nói lắp một chút lại đáng yêu, nhưng sau đó Bin đi mẫu giáo và bị các bạn trêu nhiều. Cu cậu rất buồn và có thái độ ngại nói chuyện.
 
Theo ông Nguyễn Trọng Tiến- GĐ Trung tâm iSmartKids, trẻ mắc tật nói lắp chủ yếu ở độ tuổi 2,5 đến 4 tuổi, đặc biệt là trong thời gian trẻ học nói. Các cha mẹ có thể yên tâm, vì đa số các bé sẽ dần dần tự khắc phục tật nói lắp khi trưởng thành sau 5 tuổi, chỉ còn một nhóm nhỏ trẻ tiếp tục nói lắp sau 6 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc tật nói lắp có thể rơi vào 3 trường hợp chủ yếu sau:

  • Do tổn thương vùng phân tích vận động của lời nói (vùng Broca trong não): trẻ bị va đập, nhiễm bệnh lúc nhỏ… dẫn đến ảnh hưởng tổn thương vùng Broca trong não, hoặc một số ít do di truyền.
  • Do môi trường giáo dục trẻ: Môi trường xung quanh trẻ ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến trẻ, đặc biệt trong giai đoạn trẻ học nói. Trẻ có thể bị nói lắp do bắt chước từ người khác. Đặc biệt đa số trường hợp, các trẻ hay bị người lớn trêu đùa quá mức, gây ức chế, cáu gắt dẫn đến nói lắp.
  • Do việc hạn chế từ vựng (khả năng ngôn ngữ): trẻ trong giai đoạn học nói này rất thích hỏi và tò mò, nhưng vốn từ của trẻ còn hạn chế, dẫn đến khả năng diễn đạt khó khăn (khó biểu đạt đầy đủ mong muốn của trẻ với người khác). Việc trẻ vừa nói vừa tìm từ diễn giải ý kiến dẫn đến việc lặp lại các từ. Ví dụ như trẻ muốn biểu đạt: “Con muốn đi công viên chơi cầu trượt với bố mẹ”, nhưng trẻ diễn đạt thành “con muốn đi…đi công viên chơi cầu…cầu trượt với bố mẹ”.


    trẻ nói lắp

Việc trẻ bị mắc tật nói lắp không quá đáng ngại, nhưng nếu cha mẹ không quan tâm, để thời gian kéo dài, có thể về sau thành phản xạ, vi xử lý trung ương ở vùng Broca bị gián đoạn và trở thành bệnh lý. Cha mẹ nên kiên nhẫn và bình tĩnh giúp con khắc phục nhược điểm trên theo một số cách sau:

  • Không quát mắng, trêu tròng trẻ khi nghe thấy trẻ nói lắp, làm trẻ mặc cảm và có thể ngại giao tiếp. Cha mẹ nên giành thêm thời gian để giao tiếp với trẻ nhiều hơn và chỉnh lại lời nói cho trẻ. Cha mẹ có thể dạy trẻ tập hát, đọc thơ… để tăng vốn từ vựng cho trẻ, đồng thời rèn luyện cách phát âm cho trẻ.
  • Cha mẹ lưu ý nói với tốc độ chậm, rõ ràng để trẻ nghe và bắt chước. Cha mẹ thống nhất cách sử dụng câu từ khi nói chuyện cùng con, sử dụng những từ ngữ đơn giản. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ bắt đầu sử dụng những câu nói ngắn gọn, đơn giản, sau đó sẽ luyện tập những câu có độ dài và khó hơn.
  • Cha mẹ có thể sử dụng trò chơi sau để tăng vốn từ vựng cho trẻ rất hiệu quả. Trò chơi gọi là “nối câu, ghép chữ”. Ví dụ cha mẹ nói “con ăn”, trẻ sẽ nói tiếp “con ăn cơm”, cha mẹ nói “ con ăn cơm cá”, trẻ tiếp tục “con ăn cơm cá ngon”… trò chơi đơn giản nhưng rất hiệu quả và có nhiều tác dụng. Trò chơi rèn luyện tăng trí nhớ tạm thời cho trẻ, tăng vốn từ vựng, tăng phản xạ nói…
Cuối cùng cha mẹ có thể đưa con đến gặp bác sỹ và chuyên gia để đánh giá tình trạng nói lắp của con, để nghe tư vấn hướng dẫn cách giúp trẻ luyện tập ở gia đình. Cha mẹ có thể cho con theo học lớp kỹ năng sống để trẻ có thêm môi trường thực hành và tương tác, giao tiếp với các bạn. Để giúp trẻ khắc phục tật nói lắp, các cha mẹ phải thực hiện đúng phương pháp, kiên nhẫn và với trẻ.