Trẻ ngoan ngoãn hoàn thành bữa ăn là món quà tuyệt vời dành cho những bà mẹ trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào những bữa ăn cũng mang lại món quà mà ngược lại, đó chính là tâm trạng bực bội, ức chế của nhiều bà mẹ. Tại sao trẻ lại chê thức ăn? Tại sao trẻ lại khóc thét lên khi nhìn thấy bát cháo hay thực đơn của mình?
Trên thực tế, việc trẻ từ chối những món ăn thể hiện sự chưa thấu hiểu giữa mẹ và trẻ đồng thời cho thấy lối mòn suy nghĩ của người mẹ áp dụng lên con một cách phiến diện và cứng nhắc. Để những bữa ăn được diễn ra vui vẻ, dễ dàng, mẹ nên dành thời gian tìm hiểu tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ để có những điều chỉnh phù hợp. Mỗi một lứa tuổi, trẻ lại có nhu cầu khác nhau song về cơ bản, để giúp trẻ ăn ngon miệng, bố mẹ nên lưu ý một vài điều sau đây:
1. “Đây là bữa ăn của trẻ- Hãy để trẻ lựa chọn trong khuôn khổ”
Mẹ nên hiểu rằng việc ăn này là nhằm giúp trẻ có thêm năng lượng, không phải dành cho mẹ. Do vậy, trẻ phải được tự lựa chọn món mình thích. Để phù hợp với việc chuẩn bị đồ nấu, mẹ nên đưa ra hai hoặc ba món ăn mẹ định nấu để trẻ tự lựa chọn. Điều này giúp trẻ cảm thấy mình đang làm chủ bữa ăn và mẹ sẽ thoải mái vì mình đã chuẩn bị nguyên liệu cho món ăn đó.
2. “Trẻ em không biết nói dối- Hãy để trẻ ăn theo nhu cầu”
Cũng giống như khi khó chịu thì khóc, trẻ em đói sẽ đòi hỏi theo nhu cầu. Hiện nay, nhiều gia đình ép trẻ ăn rất nhiều thức ăn khiến cho mỗi bữa cơm giống như một cực hình với trẻ. Việc này lâu dần dẫn đến tâm lý sợ ăn, sợ cả người lớn. Mỗi bà mẹ hãy nên nhìn vào chính con mình và tìm hiểu nhu cầu thực sự của con. Hãy dừng khi con muốn dừng!
3. Thay đổi thực đơn- trò chơi chưa bao giờ hết thú vị với trẻ
Trẻ con rất thích điều mới mẻ. Vì vậy, những bữa ăn có thực đơn hấp dẫn, thay đổi liên tục sẽ kích thích sự thích thú và thèm ăn của trẻ. Do đó, để trẻ ăn được nhiều hơn, vui vẻ hơn, mẹ nên có những món ăn hấp dẫn khác nhau dành cho bé.
4. Bố mẹ ăn cùng trẻ- Tại sao không?
Người lớn thường không có khái niệm ăn cùng trẻ như khi ăn cùng những người lớn khác vì nghĩ thức ăn của trẻ phải dành cho trẻ. Tuy nhiên, đây là một cái nhìn chưa chính xác. Trên thực tế, trẻ em rất thích có “bạn đồng hành” trong những bữa ăn. Việc ba mẹ ăn cùng trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy món ăn đó thực sự hấp dẫn đồng thời cũng giúp trẻ cảm thấy có động lực khi ăn uống. Nếu chưa thử, ngay hôm nay, bố mẹ hãy cùng con thưởng thức một món ăn nào đó một cách vui vẻ, bố mẹ sẽ cảm nhận được sự khác biệt.
5. Tư thế ngồi ăn thoải mái
Cha mẹ nên cho con ngồi ăn trên ghế ăn hoặc bàn ăn, tùy vào lứa tuổi. Việc ngồi ăn như vậy giúp trẻ tận dụng tối đa bộ nhai và sự phối hợp các cơ, phục vụ cho việc tiêu hóa thức ăn. Bên cạnh đó, việc ngồi thoải mái sẽ tạo ra tâm thái tốt để trẻ có một bữa ăn ngon miệng.
6. Bổ sung vi chất nếu cần thiết
Theo định kỳ, cha mẹ có thể cho trẻ đi kiểm tra dinh dưỡng trong cơ thể. Việc trẻ chán ăn, ăn không ngon cũng có thể do trẻ thiếu một số vi chất như kẽm, Lizin, a xit a min trong cơ thể. Mẹ có thể bổ sung cho con từ nguồn thực phẩm tự nhiên hoặc các nguồn khác để giúp trẻ cân bằng dinh dưỡng.
Để bữa ăn chỉ còn những tiếng cười, mẹ nên tìm hiểu nhu cầu ăn của trẻ và theo đó để chế biến bữa ăn. Cha mẹ nên bình tĩnh, nhẹ nhàng thay vì tạo áp lực cho trẻ khi trẻ từ chối không ăn cơm. Mỗi đứa trẻ có một nhu cầu khác nhau, điều quan trọng là chỉ có những bố mẹ thông thái mới nhận ra điều này. Hi vọng rằng, những gợi ý này sẽ góp phần giúp các bà mẹ trở thành nhà thông thái dinh dưỡng.