Bí kíp dạy trẻ không ích kỷ

“Vì lòng ích kỷ mà con người đánh mất đi lòng yêu thương, chỉ còn biết cá nhân mình, không nghĩ đến cảm giác của người khác. Một đứa trẻ ích kỉ sẽ lớn lên trong cô độc, thiếu vắng bạn bè, khó khăn khi hòa nhập vào xã hội… và còn nhiều hệ lụy khác nữa. Quan trọng nhất là đứa trẻ đó đã vô tình khước từ sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ của cộng đồng xung quanh đó đã tự lập ra các rào cản từ tính cách của mình.” Theo TS. Nguyễn Trọng Tiến- chuyên gia tham vấn tâm lý Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara.


1. Hãy dạy con sống biết chia sẻ

Trẻ nhỏ đều có xu hướng muốn được trở thành trung tâm của sự ưu tiên trong gia đình, như việc muốn được cha mẹ luôn tay vỗ về, ôm ấp. Trẻ lớn hơn chút nữa có nhu cầu sở hữu những đồ vật riêng và không muốn người khác đụng đến. Đặc biệt nhóm trẻ quen được nuông chiều sẽ có thói quen vòi vĩnh, mè nheo, ăn vạ khi không được đáp ứng nhu cầu ngay lập tức…

 



Trường hợp điển hình là bé Sóc, con trai chị Thu Trà, Cầu Giấy. Sóc đã 5 tuổi và có em nhỏ 2 tuổi, nhưng những biểu hiện của Sóc hàng ngày làm chị Trà rất đau đầu. Sóc luôn giành đồ chơi với em nhỏ, khóc lóc mè nheo mỗi khi mẹ chăm sóc em. Đến lớp mẫu giáo, bé đánh bạn vì bạn muốn chơi đồ chơi cùng…

Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ . Để rèn luyện cho trẻ đức tính sống không ích kỉ, cha mẹ nên dạy bé ngay từ nhỏ bằng cách khuyến khích con biểu lộ sự quan tâm, chia sẻ với người khác, cho trẻ thấy việc chia sẻ mang lại niềm vui như thế nào.

Cha mẹ hãy bắt đầu dạy cho trẻ biết quan tâm chia sẻ với mọi người trong các việc nhỏ hàng ngày từ việc dạy trẻ chuẩn bị đũa bát cho cha mẹ, anh chị trong bữa ăn, lấy đồ ăn cho mọi người. Khuyến khích con tham gia các trò chơi có tính tập thể, cần sự kết hợp của các bạn, để trẻ thấy việc chơi cùng các bạn rất vui. Cha mẹ dành thời gian cùng trẻ làm một số việc đơn giản như cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, vo gạo, nhặt rau, đi chợ mua đồ cho mọi người. Cha mẹ có thể tổ chức mời bạn bè nhỏ của con đến chơi cùng con, để bé có cơ hội chia sẻ đồ chơi với các bạn.


2. Đừng nóng giận khi trẻ tỏ ra ích kỷ

Nếu thấy biểu hiện ích kỉ của con, cha mẹ đừng vội nóng giận mắng trẻ. Việc trẻ muốn giữ riêng một vài đồ chơi cho riêng mình là hành động bình thường. Trong trường hợp trẻ khư khư không chịu chia sẻ bất kì thứ gì với bạn bè,lúc đó cha mẹ nên chọn cách giải thích cho trẻ biết bạn của bé đang cảm thấy thế nào. Cha mẹ có thể đặt tình huống cho con, như: Nếu bạn Bin có em búp bê rất đẹp, mà con chỉ muốn chạm vào em, hoặc bế một chút, nhưng bạn không cho con chơi cùng, con có thấy buồn không?… Thông qua cách hỏi đáp, trẻ sẽ dần nhận ra vấn đề và sẽ dần cởi mở hơn trong việc chia sẻ đồ chơi với bạn bè. Giúp trẻ hiểu cảm giác bị từ chối sẽ khiến trẻ thông cảm với bạn hơn, từ đó sẽ dễ dàng chơi chung cùng bạn một cách hòa động hơn, thân thiện hơn. Tuy nhiên cha mẹ nên lưu ý dạy trẻ có những đồ dùng cá nhân không nên dùng chung như: bàn chải đánh răng, khăn mặt…

3. Cha mẹ hãy làm gương tốt cho trẻ

Trẻ nhỏ luôn quan sát và học hỏi từ người lớn trong nhà, do đó cách tốt nhất để dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm, quan tâm, thì người lớn hãy là những tấm gương và thực hiện những việc này trong gia đình. Ví dụ đơn giản như trong bữa ăn gia đình, cha mẹ quan tâm gắp đồ ăn cho nhau và trẻ nhỏ cùng lúc. Cha mẹ cùng trẻ nhỏ cùng nhau làm một số việc gia đình. Trong những câu chuyện về mối quan hệ bạn bè, công việc, nếu là những câu chuyện về việc giúp đỡ bạn bè, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, cha mẹ nên để cho trẻ ngồi nghe cùng. Sự quan tâm lẫn nhau, chia sẻ với nhau giữa người lớn sẽ kích thích trẻ học theo và dần dần tạo cho trẻ biết quan tâm chia sẻ.